Bài học tình yêu tôi đã học – Câu chuyện ý nghĩa sâu sắc

BÀI HỌC TÌNH YÊU TÔI ĐÃ HỌC..

Cô gái lấy chồng là kẻ đã giết cha mình..??

Năm đó tôi là phóng viên cho một tờ báo pháp luật, chuyên đi trại giam phỏng vấn và viết về cuộc đời các phạm nhân. Mỗi tháng đi trại giam 1 lần. Mỗi lần đi 1 tuần. Mỗi ngày lại gặp 10 phạm nhân – tôi không nhớ đã gặp bao nhiêu phạm nhân trong cuộc đời mình, nhưng tôi nhớ nhất câu chuyện của nữ tù nhân ấy…

Câu đầu tiên chị nói với tôi: Chồng tôi bây giờ từng là hung thủ đã giết cha tôi. Nhưng tôi lại yêu anh ấy, cho đến tận bây giờ.

Một câu nói đủ làm tôi tập trung 200% sự chú ý của tôi vào cuộc phỏng vấn!

Năm nữ phạm nhân ấy 19 tuổi, chị lần đầu tiên gặp chồng mình – ở trong phiên toà xét xử vụ án giết người mà cha chị là nạn nhân còn người chồng hiện tại của chị là hung thủ.

Hai gia đình họ ở cùng trong một thị trấn nhỏ miền núi, với cuộc đời như hai đường thẳng, vốn không quen biết gì nhau và lẽ ra cũng chẳng nên va vào nhau.

Cho đến một buổi tối, bố chị điều khiển xe máy trong lúc say rượu, đâm phải ba của anh – người đàn ông vừa hết ca trực và chuẩn bị về nhà với người vợ bệnh tim ốm yếu.

Bố anh qua đời ngay lúc đó. Cả cơ hội đến bệnh viện cấp cứu cũng không có.

Mẹ anh – với căn bệnh tim dày vò nhiều năm, không chịu nổi cú sốc đó, qua đời sau đó vài tiếng đồng hồ .

Năm đó anh 21 tuổi, chuẩn bị bước vào năm cuối đại học, bỗng dưng nhận được tin dữ ở nhà – trong vài tiếng ngắn ngủi của đời người, anh bỗng mất hết mọi thứ mình vốn đang có…

Đám tang cha mẹ anh, cha chị đến viếng, quỳ xuống khóc và cầu mong được tha thứ, hứa sẽ đền bù và lo cho anh suốt phần đời còn lại. Nhưng không có sự đền bù nào cứu vớt được trái tim như tro tàn của anh. Sau 49 ngày của cha mẹ, anh cầm dao đến nhà chị, đâm chết cha chị – người đã cướp đi tất cả hạnh phúc của anh.

Chị vẫn nhớ sau ngày đó, mẹ chị nói với chị sẽ viết đơn xin giảm án cho anh. Bà nói số phận nghiệt ngã khiến hai gia đình chúng ta vô tình trở thành kẻ thù của nhau, nhưng con đừng oán giận và kéo dài hận thù này….

Thế nên trong phiên toà nơi chị gặp anh lần đầu, chị cùng mẹ đứng lên xin giảm án cho anh, không yêu cầu bồi thường. Lần đầu gặp anh trong phiên toà, chị không nghĩ anh sẽ là chồng chị. Chỉ bần thần nghĩ người thanh niên có gương mặt vừa đẹp đẽ vừa ủ dột, u ám kia, nhìn thế nào cũng không thể và không nên trở thành một kẻ giết người.

Anh bị kết án 8 năm tù giam.

Chị đi học đại học, vài tháng lại cùng mẹ đến trại giam thăm anh. Những lần đầu anh từ chối không gặp, nhưng mẹ con chị vẫn luôn kiên trì. Mỗi tháng, mẹ chị gửi quà thăm nuôi và ít tiền cho anh tiêu trong tù, còn chị thì kiên trì viết thư cho anh mỗi tuần. Chị nói : “Dù giữa chúng ta chỉ có đau đớn, nhưng mẹ con em không mong chúng ta sẽ là kẻ thù . Mẹ bảo anh là người tốt và mong được chăm lo cho anh trong những năm tháng này”.sự kiên trì của mẹ con chị cuối cùng đã làm mềm trái tim băng giá của anh. Thi thoảng họ đến thăm anh. Thi thoảng họ viết thư qua lại cho nhau . Một cô sinh viên và một phạm nhân phạm tội giết người, thế mà họ lại có cả nghìn câu chuyện để nói với nhau…

Chị nói chị là người chủ động trong tình yêu của họ. Vì dù cảm nhận được dù có yêu chị, anh cũng sẽ không bao giờ ngỏ lời. Chị “mặt dầy” đeo bám anh, trốn mẹ đến thăm anh mỗi tháng, vừa khóc nháo vừa đe doạ, “cưỡng ép “ anh thành bạn trai của chị.

Họ bắt đầu yêu nhau khi anh đã ở tù 4 năm còn chị đã ra trường làm cô giáo.

Tương lai dù mờ mịt, nhưng lòng chị lại chỉ nghĩ về tình yêu.

Khi mẹ chị biết về tình yêu của họ , bà thở dài và im lặng nhiều ngày. Sau đó bà nói: “mẹ nhìn thế nào cũng thấy đây là nghiệt duyên. Nhưng nếu con đã quyết tâm như thế, mẹ không phản đối. Chỉ sợ con không hình dung được những khó khăn cay đắng sau này”.

Chị tự tin trả lời mẹ: Dù có là nghiệt duyên, con cũng muốn gieo lên đó một vườn hồng.

Sau 5 năm ở tù, anh được đặc xá trở về. Họ cưới nhau trong một đám cưới chỉ có 3 người tham gia.. Họ hàng từ chối tham dự. Còn anh chị thì không mời bạn bè.

4 năm sau , họ đã kịp có hai đứa con. Chị nghỉ dạy vì không chịu được soi mói của đồng nghiệp khi lấy kẻ đã giết cha mình. Họ cùng nhau mở một sạp bán rau và trái cây nho nhỏ ở chợ. Chị đau ốm nhiều sau hai lần sinh nở nên hầu như chỉ ở nhà. Mọi việc trong nhà hầu như anh gánh vác, kể cả chuyện mưu sinh kiếm sống lẫn chuyện chăm sóc cho mẹ chị – người vừa phát hiện bị ung thư.

Ngày đó anh bảo chị: dù có mất bao nhiêu tiền cũng phải chữa bệnh cho mẹ. Cả anh và em chỉ còn một mình mẹ mà thôi.

Họ bán đi một căn nhà bố mẹ để lại chữa bệnh cho mẹ chị, cuộc sống vốn không dễ dàng lại càng khó khăn nhiều hơn.

Một hôm, nhìn thấy chồng gầy rộc đi – mắt đầy nếp nhăn, dù mới ngoài 30 tuổi, không còn là chàng trai có gương mặt tuấn tú chị gặp năm nào, chị khóc. Thế là chị bắt đầu nghĩ quẩn. Chị nghĩ vì mẹ chị mà anh khổ. Vì chị đau ốm nên anh chẳng biết dựa vào ai. Mà chị thì đã hứa sẽ đồng hành cùng anh cả đời này, dù khó khăn hay hoạn nạn…

Nên ở thời điểm đó, chị đã giấu anh và đưa ra một quyết định sai lầm nhất của đời mình: đi buôn ma túy.

Chị bị bắt sau đó không lâu và bị tuyên án 12 năm tù giam. Lúc gặp được anh trong phiên toà, chị khóc và chìa ra lá đơn xin ly hôn, nhưng anh không ký. Anh vuốt nhẹ tóc chị bảo: là anh bất tài nên để em chịu khổ. Ngày xưa là em đi thăm anh, bây giờ sẽ đến lượt anh. Dù chúng ta có là nghiệt duyên như lời mẹ nói, anh cũng không thể rời bỏ em, vì đời này anh chẳng còn gì ngoài em.

Anh đã giữ lời hứa đó. Suốt nhiều năm chị ở tù, mỗi tháng một lần anh vào trại giam thăm chị. Anh thay chị chăm lo cho mẹ cho đến khi bà qua đời. Lại vừa kiếm sống, vừa nuôi dạy con cái.

Mỗi lần gặp nhau chị đều bảo với chồng: bạn tù bảo em chồng họ ở ngoài ai cũng có người phụ nữ khác. Em ích kỷ nên không mong anh bỏ em, nhưng nếu anh cần một người đàn bà để an ủi những năm này, em tuyệt đối không oán hận.

Nhưng anh lại đáp: trại giam có phòng hạnh phúc, tháng nào vợ chồng mình chẳng được gần nhau. Anh chỉ cần em là đủ cho cả đời này.

Vợ chồng anh chị là một giai thoại của trại giam. Mỗi lần anh đến thăm vợ, bao giờ họ cũng được ưu tiên ở căn phòng hạnh phúc đẹp nhất. Dù chị ở tù, nhưng anh vẫn mua tặng chị nào son, nào phấn, nào nước hoa, nào sơn móng tay. Anh nói đợi khi chị ra tù, anh sẽ dành tăng chị thêm nhiều quần áo đẹp. Anh thích vẽ nên lần nào đến trại giam, anh cũng dành cả giờ để vẽ chị. Có bức anh tặng chị, có bức anh mang về cho con, để lũ trẻ không quên mẹ mình. Những bức tranh anh vẽ chị được chị để đầy trong chiếc hòm cá nhân của mình…

Khi kể với tôi câu chuyện của đời mình, chị hào hứng khoe chồng, nói chồng chị là người đàn ông giỏi nhất và tốt nhất thế giới. Mấy năm chị đi tù, anh bươn chải, chịu khó làm ăn, đầu tư tiền mua đất rồi mở lò sấy ngô nên cuộc sống ngày càng thoải mái. Lần nào gặp vợ anh cũng nói, anh chờ đến ngày chị ra tù. Khi đó chị không phải vất vả nữa, chỉ hưởng phúc mà thôi…

Tôi nhớ là tôi đã chảy nước mắt suốt cuộc phỏng vấn đó. Tôi nghĩ hai người họ thật đáng thương nhưng cũng thật hạnh phúc. Khi tôi gặp chị là lúc tôi vừa trải qua một mối tình thất bại. Người đàn ông tôi yêu bằng cả tấm lòng đã dẫm đạp lên tôi theo mọi nghĩa.

Tôi đã khóc rất nhiều và luôn buồn nôn khi ai đó nói về tình yêu suốt một thời gian dài.

Tôi đã nghĩ tình yêu là không có thật.

Vậy mà tôi lại gặp chị và để cho hai người tù dạy tôi về tình yêu.

Đó là tình yêu cẩu huyết nhất, khốc liệt nhất mà tôi biết, nhưng lại chân thành và tha thiết đến không nói nên lời.

Tôi không biết sau đó chị thế nào… bao giờ chị ra tù… liệu anh chị có còn hạnh phúc, còn yêu nhau, còn vì nhau mà hi sinh như thế…

Nhưng tôi – một kẻ thất bại trong tình yêu – tình nguyện hy vọng và cầu chúc cho họ có một happy ending cho mối tình của mình để mối nghiệt duyên ấy thực sự nở hoa hồng… vì nếu không phải là họ, thì còn ai xứng đáng có được tình yêu hơn thế?

Sưu tầm từ fb : Trần Ngọc
Ảnh st. Chỉ mang tính minh họa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *