Thím Hân xóm bên góa bụa đã mấy năm, sống tử tế, được bà con lối xóm mến yêu. Nhìn cung cách thím, một gã đàn ông dù chỉ là ngẫu hứng có ý định trêu chọc, giễu cợt cũng phải từ bỏ ngay lập tức. Từ khi chồng mất, thím luôn nhìn người đàn ông đối diện bằng ánh nhìn nghiêm khắc, đề phòng. Ý nhị, kín đáo, biết nói bằng sự lặng im và cũng biết dùng sự lặng im để nói – đó là tính cách thím.
Ba đi cào hến, mỗi bận xe đạp xẹp, ba hay vô nhà thím Hân mượn đồ bơm xe. Cũng có khi sợi dây ba ga bất ngờ đứt, ba ghé mượn. Ra vào nhiều lần, trò chuyện lúc đầu nhàn nhạt sau thành chỗ thân tình.
Năm nay, giỗ mẹ, ba thắp nhang, xin phép mẹ đưa người đàn bà khác về ngôi nhà mà chỉ toàn đực rựa. Anh Hai hét lớn:
– Ba định đưa thím Hân về thiệt hả? Không bao giờ. Nhà này là của mẹ. Tụi con không cho phép một người đàn bà nào khác bước vào gian bếp của mẹ !
Anh Hai chưa nói xong thì thằng Tuấn gào:
– Bà đó người ta bảo sát chồng, sao ba ưng? Với lại ba cũng già rồi, vợ con chi nữa cho rầy rà, rồi mang tiếng chịu lời.
Ba nhìn Tuấn bằng nét sắc lạnh của chiếc roi mây. Ba bảo: Câu này của con đáng ăn một roi nhưng ba để nợ…
…Nhưng ánh mắt của anh Hai đã làm thay đổi ý định của ba. Ba đã không đưa thím Hân về….
Lại những ngày lẻ loi ngâm mình trên sông nước, lại những buổi chợ búa cơm nước, những ly chè đặc quánh.
Anh Hai tốt nghiệp phổ thông, học đại học, sau đại học, rồi tu nghiệp bên Úc. Không nghĩ đến nỗi cực nhọc của ba, anh quyết thực hiện hoài bão đã vạch sẵn. Và, nỗ lực đã được đáp đền. Anh về nước, bây giờ là giảng viên một trường đại học có tiếng ở thành phố Người xóm tôi tán tụng sự thành công của anh mà quên bóng ba liêu xiêu trước bến sông mỗi ngày.
Anh lấy vợ, tổ chức ở một nhà hàng lớn của thành phố. Ba đón xe vô chúc mừng, mọi người không biết ba, ba ngồi lẫn trong khách, vỗ tay rào rạt khi chú rể dắt cô dâu bước ra, đứng giữa lòng gia đình hai họ. Ba khui lon bia, uống một hơi hết sạch. Người đứng bên chú rể là thầy hiệu trưởng một trường đại học mà anh đang công tác.
Ba mừng con, uống thêm ly bia nữa, nhăn mặt vì đắng. Ba về. Anh hai đưa cái di động cũ, dặn khi có việc cần, con sẽ chủ động gọi, ba đừng gọi vì công việc của con không tiện nghe điện thoại.
Ba mỉm cười nhất trí…
Em Tuấn lên lớp 10 quyết định gấp sách khi chuẩn bị khai giảng năm học phổ thông cuối cùng. Ba nói cạn lời, tôi vẫn không đổi ý.
– Con học không vô, những con chữ ám ảnh!
Ngày ngày, hai cha con cùng lăn lộn nơi sông nước – càng về sau, ốc hến tôm cá ở đồng bắt đầu có giá nên cuộc sống cũng tạm ổn. Có cha có con, công việc cũng bớt nhọc. Mùa mưa, cái lạnh căm căm cũng ấm bởi tiếng cười từ mấy câu chuyện tào lao. Mùa nắng, phơi mình trên sông, hai cha con đen chỉ thua cột nhà cháy. Ba tếu: “Ba già vì năm tháng, còn mày đích thị già háp!”.
Thằng Tuấn mãn trung cấp công nghiệp. Nó đăng ký xuất khẩu lao động bên Hàn. Hai cha con lại cố làm nhiều hơn, năng hơn để hoàn tất thủ tục cho em.
Hằng tháng, ba nhận được tin nhắn của anh Hai và em Tuấn. Nào là “Chúng con đã có nhà riêng ở phố”, rồi “Cháu trai của nội rất bụ bẫm”, rồi ” Con đã là trưởng khoa” và cả “Con lại được tăng lương nhưng cũng chỉ đủ sống vì mức sống ở bên này cao lắm”. Mỗi lần đọc xong một tin nhắn, ba chỉ cười chứ không nói…
Thím Hân trở thành mẹ. Cũng không cắt nghĩa được sự yêu mến này, chỉ biết từ ngày thím về, tôi kính yêu gọi thím là mẹ. Ba dặn không báo tin này cho anh Hai và em Tuấn. Từ ngày có mẹ mới, ngôi nhà như người cô đơn gặp được tri kỷ. Mọi thứ vẫn như cũ, chỉ khác khói bếp bay lên đều đặn, những bữa ăn ngon hơn dù đạm bạc.
Tôi thích sự dịu dàng này, ở bên mẹ Hân, một con vật cũng được yêu thương. Đồ đạc của ba được giặt là cẩn thận, những cúc áo đứt chỉ, mẹ đơm lại vững vàng. Mỗi buổi sáng, ba được ăn cơm nóng đúng giờ và có tách trà ấm bụng. Buổi chiều ba làm về, mẹ dịu dàng xoa lưng, bóp tay chân, tỉ tê đủ chuyện.
Tuổi già khó đỡ mệnh trời, ba bệnh triền miên.
Ba nằm viện, mẹ Hân túc trực bên giường bệnh. Tôi lặn lội nơi bến sông, một mình héo hắt. Không đủ, tôi lang thang nơi xưởng cưa, kho thóc, cửa hàng vật liệu xin bốc vác. Tóm lại, tôi sức trẻ căng mình, ai kêu gì làm nấy, miễn sao có tiền viện phí, thuốc thang cơm cháo cho ba.
Mỗi bận anh Hai gọi điện về, ba ráng giữ giọng tự nhiên của người mạnh khỏe bảo: “Ba vẫn khỏe. Thành phố giá cả đắt đỏ, nhớ thu xếp cho khéo”. Rồi em Tuấn bên Hàn gọi điện về, nói rất nhanh, không hỏi thăm sức khỏe của ba mà chỉ than vợ sinh con khó nên ở nhà dưỡng bệnh, nó một mình nai lưng nuôi hai mẹ con, nhọc…
Ba nói: “Ráng! Ba vẫn khỏe. Thôi! Tắt máy đi, gọi quốc tế tốn kém. Để tiền điện thoại mua sữa cho con!”.
Sau lần tai biến đó, ba yếu rõ. Yếu đến nỗi chỉ loanh quanh nhà trên nhà dưới, ra hè cũng thở dốc. Đến khi nằm một chỗ được hơn tháng, hôm đó ba bảo tôi gọi điện kêu anh Hai và em Tuấn gác việc lại, về. Anh Hai nhăn nhó:
– “Đừng điện nữa, đã nói để anh chủ động mà. Công việc lu bu, sao nghỉ được mà về!”.
Em Tuấn không hét, chỉ nói mềm mỏng một cách phũ phàng:
– “Em cũng muốn về nhưng mỗi lần về phải bay hết hai ngàn đô, lấy chi mà về?”.
Tôi với cô Thoa xóm bên cũng muốn nên duyên chồng vợ. Nhưng từ khi ba bệnh, tôi không còn thời gian để thăm nàng.
Đêm đã khuya, ngoài trời không sao thưa, tiếng con ễnh ương, tiếng ếch nhái râm ran, nghe khắc khoải. Ba gọi tôi đến gần, bảo:
– Con lấy vợ đi, ba mới an lòng !
Linh tính báo cho tôi một điều chẳng lành, dù hiểu ý ba, song tôi đánh trống lảng:
– Con không thích lấy vợ, không muốn vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền! Mà sao con lấy vợ ba mới an lòng ? Ba hãy an lòng, vì luôn có con bên cạnh!
Ba cười hiền:
– Ba biết con và Thoa có tình ý với nhau. Ba sẽ nói mẹ con sang nhà, lễ nghĩa đàng hoàng đón nó về làm dâu. Con có vợ, ba mẹ có cháu ẵm bồng!
Biết không thể thoái thác, tôi đành ngậm ngùi:
– Gia cảnh nhà mình, chạy ăn từng bữa thì tiền đâu lấy vợ hả ba?
– Ba đã tính hết rồi. Anh và em con đều có việc làm, nơi ăn chốn ở ổn định, chúng không thèm về mảnh đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” này đâu. Ba đã bán một nửa đất vườn, gửi tiết kiệm cũng đã mấy năm, giờ chắc cũng đủ cho con lấy vợ và có ít vốn làm ăn với thiên hạ.
… …
Hôm đó, tự dưng ba kêu muốn chơi cờ. Ba muốn lấy bàn cờ ngày xưa ba thường chơi với anh Hai ra chơi một lần rồi vứt đi. Tôi chiều ba chơi cờ. Ba ráng nghiêng người, thò tay bốc được hai nước cờ, bỗng như rất đau, ba lấy tay sờ lên ngực, nét mặt nhăn nhó, đỏ ngầu rồi tím tái..
.. và ba đi…
Chiều nay, tôi tê tái ngồi trước mộ ba. Nghĩ mà giận, ba mất, trong lúc rối bời, tôi gọi trực tiếp cho anh Hai, đến cuộc gọi thứ tư anh mới bắt máy, gắt: “Có chuyện gì tối hẵng gọi, giờ không rảnh, đang đứng lớp!”.
Gọi cho em Tuấn, tôi nói: ” Em thu xếp về nhanh nghen!”, tôi chưa kịp nói thêm… Em lại rầu rĩ: “Đợt trước em thu xếp tính về, nhưng vừa qua, vợ con đau bệnh, cảnh nhà khốn khó, tiền đâu mà về!”.
Tôi đưa mắt nhìn sang mẹ Hân. Mẹ đang ngồi, tẩn mẩn vuốt từng nắm cát trên mộ ba như đang ngồi xoa bóp tay chân cho ông mỗi lần ba đi làm về…
NGƯỜI ĐÀN BÀ THỨ HAI
Tác giả : Nguyễn Thị Bích Nhàn
Bài và ảnh sưu tầm